Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tổ chức chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai"
13/03/2025 06:00
Chiều 10/3, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bệnh viện Mắt Cao Nguyên phối hợp với Trường THPT Pleiku tổ chức chương trình ngoại khóa "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai".
Quang cảnh chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai". Ảnh: Minh Vỹ
Tham dự chương trình có cô Nguyễn Thị Đông Hải - Phó Hiệu trưởng (Quản lý, điều hành) Trường THPT Pleiku; Tiến sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, cùng với khoảng 800 học sinh khối 10, giáo viên chủ nhiệm và các bác sĩ đến từ Bệnh viện Mắt Cao Nguyên.
Đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Minh Vỹ
Tại đây, các bác sĩ đã báo cáo về thực trạng tật khúc xạ học đường ở Gia Lai. Bên cạnh việc chia sẻ kiến thức về chăm sóc mắt, các bác sĩ còn hướng dẫn cách bảo vệ thị lực khi học tập và sử dụng thiết bị điện tử.
Bác sĩ hướng dẫn cách bảo vệ thị lực. Ảnh: Minh Vỹ
Không chỉ mang tính giáo dục, chương trình còn trở nên sôi động hơn với những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do học sinh Trường THPT Pleiku biểu diễn. Ngoài ra, phần giao lưu hỏi - đáp có thưởng giữa các bác sĩ nhãn khoa và học sinh đã tạo không khí hào hứng, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách thú vị.
Học sinh hào hứng tham gia hỏi-đáp. Ảnh: Minh VỹHọc sinh nhận thưởng trả lời câu hỏi đúng từ chương trình. Ảnh: Minh Vỹ
Phát biểu tại chương trình, cô Nguyễn Thị Đông Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe thị giác đối với quá trình học tập và phát triển thể chất, trí tuệ của học sinh. Cô cho biết:“Một đôi mắt khỏe mạnh giúp các em tiếp thu bài giảng rõ ràng, thoải mái và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị đang gia tăng đáng kể. Đây là vấn đề đáng lo ngại không chỉ đối với học sinh mà còn với phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội. Vì vậy, chương trình ‘Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai’ là một hoạt động thiết thực giúp học sinh hiểu rõ hơn về cách bảo vệ thị lực và có cơ hội thăm khám, điều chỉnh tật khúc xạ kịp thời”.
Cô Nguyễn Thị Đông Hải - Phó Hiệu trưởng (Quản lý, điều hành) Trường THPT Pleiku. Ảnh: Minh Vỹ
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị, đang tăng mạnh ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại châu Á. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới 40% trẻ em mắc tật khúc xạ mắt, và con số này đang có xu hướng gia tăng hàng năm.
Học sinh hào hứng với chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai". Ảnh: Minh Vỹ
Tại tỉnh Gia Lai, mặc dù là một tỉnh vùng cao, nhưng tỷ lệ cận thị học đường cũng gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám, mắc các tật khúc xạ chiếm 32%, trong đó phần lớn là học sinh. Đây là một thực trạng đáng báo động đối với sức khỏe mắt của học sinh trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về chương trình này, Tiến sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên cho biết:“Chúng tôi mong muốn trang bị cho các em học sinh những kiến thức cần thiết về chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách. Đồng thời, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai triển khai chương trình theo dõi khúc xạ và các bệnh lý liên quan đến mắt từ lớp 1 đến lớp 12 hoàn toàn miễn phí. Qua đó, học sinh có cơ hội tầm soát, phát hiện sớm các vấn đề về mắt, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa và cải thiện sức khỏe thị giác toàn diện. Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn cho phụ huynh và giáo viên về cách theo dõi tình trạng thị lực của học sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời”.
Tiến sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Bệnh viện Mắt Cao Nguyên. Ảnh: Minh Vỹ
Học sinh Trần Ngọc Bình Nghi, lớp 10D3, bày tỏ niềm vui khi tham gia chương trình:“Em rất hào hứng khi được nhà trường phối hợp với Bệnh viện Mắt Cao Nguyên tổ chức hoạt động này. Em bị cận thị từ năm lớp 8, và đây là lần đầu tiên được tham gia một chương trình tư vấn về mắt. Nếu được tham gia chương trình sớm hơn, có thể em đã có biện pháp phòng tránh hiệu quả hơn. Dù sao, từ bây giờ em đã có thêm kiến thức để bảo vệ mắt của mình”.
Trường THPT Pleiku là đơn vị đầu tiên tại Gia Lai triển khai chương trình "Mắt sáng học đường - Vững bước tương lai". Tại đây, gần 2.200 học sinh được tiếp cận tài liệu về chăm sóc mắt, trong đó 730 em tham gia khảo sát và có nhu cầu thăm khám, tư vấn về sức khỏe thị lực.
Với những kết quả tích cực từ chương trình tại Trường THPT Pleiku, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động này ra nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây không chỉ là một chương trình ngoại khóa bổ ích mà còn là cơ hội để các em học sinh tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức về sức khỏe thị giác trong cộng đồng.
Việt Nam đã có những bước khởi đầu trong ứng dụng Internet of Things (IoT) vào nông nghiệp, đặc biệt trong nuôi thủy sản, nhưng vẫn còn nhiều khoảng cách so với Thái Lan ...
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vừa thu giữ hơn 4 tấn táo đỏ không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng do không đảm bảo ...
Kết quả khai quật khảo cổ tường thành Dền tại tỉnh Ninh Bình vào cuối tháng 5/2025 cho thấy một hệ thống thành lũy liên hoàn, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ...
Trước nguy cơ mất uy tín và thiệt hại hàng tỷ USD vì tồn dư hóa chất trong sầu riêng, nhiều chuyên gia đề xuất áp dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm ...
Hằng năm, vào khoảng tháng 5 đến giữa tháng 7, khi vải thiều đến mùa thu hoạch cũng là lúc Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch với nhiều hoạt động trải...
Trường Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ thống tư pháp Việt Nam trong bối cảnh đổi mới tổ chức chính quyền địa phương hiện n...
Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, bảo vệ quyền lợi người tiê...
Chính sách áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên đã được triển khai từ ngày 1/6/2025, nhưng đến nay, nhiều tiểu thươn...