DNTH: Nguồn thu lớn giúp các trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chương trình, nhưng điều này cũng đồng nghĩa gánh nặng học phí vẫn đè lên vai người học.
Theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ GD&ĐT, hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố báo cáo ba công khai trên website của nhà trường, trong đó có được quan tâm nhất là thông tin nguồn thu của các trường đại học lớn.
Tổng thu nghìn tỷ đến từ đâu
Tại báo cáo công khai của các trường đại học phía Bắc, Đại học Bách Khoa Hà Nội, hay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều là những cái tên nổi bật về tổng nguồn thu có được.
Đại học Bách Khoa Hà Nội có tổng nguồn thu năm 2023 là 2.137 tỷ đồng, trong đó có 1.340 tỷ đến từ học phí. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có tổng thu gần 1.410 tỷ và có hơn 1.000 tỷ đồng đến từ học phí.
Tại khu vực phía Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tổng thu năm 2023 hơn 1.157 tỷ đồng, trong khi đó con số này vào năm 2022 là hơn 1.067 tỷ đồng. Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM tổng thu năm 2023 là 1.260 tỷ đồng, trong đó đến từ học phí là 1.235 tỷ đồng.
Từ báo cáo ba công khai đều dễ dàng nhận thấy, nguồn thu chủ yếu của các trường đại học đến từ 3 nguồn chính, gồm: Thu từ ngân sách, từ học phí và hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, tùy từng điều kiện của các trường sẽ có thêm các nguồn thu hợp pháp khác.
Mặc dù nhiều trường đại học đạt tổng thu nghìn tỷ, nhưng nếu chỉ xét 3 nguồn thu chính kể trên thì tỉ lệ nguồn thu từ học phí đang chiếm tỉ lệ lớn. Với lộ trình và mức tăng học phí mỗi năm học được quy định trong Nghị định 81 của Chính phủ, kèm theo gia tăng về chỉ tiêu đại học việc tăng nguồn thu từ học phí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để giảm gánh nặng cho người học, các trường cũng cần mở rộng thêm các nguồn thu khác nhau.
Ở đây, đặt ra câu hỏi làm thế nào để cân đối sự phân chia này sao cho giảm nguồn thu từ học phí, tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục và thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Cùng với đó, là giải quyết mối liên hệ giữa tự chủ đại học và đầu tư từ ngân sách Nhà nước
Quay trở lại báo cáo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, năm 2023 trường này có nguồn thu từ ngân sách là 4,23 tỷ đồng, nguồn từ nghiên cứu đổi mới sáng tạo là 53,22 tỷ đồng. Đại học Bách khoa Hà Nội, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và các nguồn khác năm là 506 tỷ đồng.
Trường Kinh tế Quốc dân có nguồn thu ngân sách là 28,97 tỷ đồng, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 42,95 tỷ đồng.
Thiếu nguồn đầu tư đại học khó phát triển
Theo Nghị quyết 29 và Luật Giáo dục năm 2019, ngân sách chi cho giáo dục phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 do Bộ GD&ĐT tổ chức trong 10 năm qua, chi cho giáo dục và đào tạo chỉ ở mức 15,7-19,1%.
Tại Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đánh giá chỉ tính riêng cho giáo dục đại học chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học (GDĐH) năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP và chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục.
Bên cạnh đó, cơ chế chi cho khoa học và công nghệ chưa hợp lý. Tổng mức kinh phí chi cho khoa học công nghệ của tất cả các trường đại học không nhiều, trong khi nguồn nhân lực chính thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung phần lớn tại các cơ sở GDĐH, do đó không thể tạo đà bứt phá.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá mặc dù tài chính không phải vấn đề khó khăn nhất mà các trường đại học tự chủ phải lo. Tuy nhiên, khi năng lực tự chủ đại học dần tốt lên, yêu cầu kèm theo là cần sự đầu tư tương xứng từ phía Nhà nước. Có như vậy, các trường đại học chất lượng cao mới có thể phát triển, tạo ra sức ảnh hưởng, cạnh tranh được với các cơ sở đại học khác trong khu vực.
Ở đây, vị đại diện chia sẻ: “Đối với trường chúng tôi, nguồn thu đến từ học phí sẽ chiếm khoảng 60%, các nguồn khác đến từ hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, nguồn thu từ hợp tác đào tạo, nguồn ngân sách Nhà nước,…Để duy trì cơ cấu tài chính như vậy cũng là điều không dễ”.
Để các trường đại học có thể cân đối bài toán tài chính theo thị trường còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngoài ra, cũng không phải cơ sở giáo dục đại học nào đều có thể đa dạng hóa nguồn thu, đây là bài toán quan trọng mà các trường phải tự tìm lời giải cho chính mình.
Vị đại diện đánh giá: “Nguồn đầu tư của Nhà nước là hết sức quan trọng, đặc biệt là việc đầu tư đào tạo các ngành truyền thống, có giá trị cho xã hội. Đơn cử như những ngành Khoa học cơ bản, với đặc thù học vất vả, việc làm bấp bênh, vì vậy rất hiếm học sinh theo học, mặc dù rất cần thiết.
Khó tuyển sinh nhưng các trường đại học vẫn phải có trách nhiệm đầu tư đào tạo các nhóm ngành đó. Để có thể làm được như vậy, rất cần sự kết hợp giữa nguồn thu hợp pháp của trường và nguồn đầu tư Nhà nước”.
Về chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận thấy việc đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính theo quan niệm tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư đã tạo ra một sự mất cân đối lớn về cơ cấu lĩnh vực và trình độ đào tạo.
Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao ở nhiều lĩnh vực then chốt, nhất là nhân lực khoa học, công nghệ.
Việc các cơ sở giáo dục đại học phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế.
Theo Doanhnghiepthuonghieu.vn