DNTH: Nhằm giúp phụ huynh đồng hành cùng con học lớp 1 một cách tích cực nhất, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi cùng cô Nguyễn Thu Thuỷ, Hiệu trưởng điều hành trường Tiểu học Edison Schools An Khánh (Hà Nội), người đã có 20 năm kinh nghiệm giáo dục về vấn đề này.
Thưa cô, lớp 1 là một dấu mốc quan trọng của trong quá trình học tập của học sinh. Để con nhanh chóng thích nghi trong giai đoạn mới này, phụ huynh cần làm gì, thưa cô?
Bước vào lớp 1, các con chuyển từ hoạt động chơi là chính sang hoạt động học là chính. Các con tăng cường các hoạt động học tập có mục đích, giảm thiểu thời gian vận động và ngủ nghỉ.
Về tâm lí, trẻ tăng cường tính tự lập, kỉ luật và tuân thủ nội quy. Một số trẻ có thể cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng dẫn đến việc trẻ cần thời gian để thích nghi. Đôi khi có thể xuất hiện các biểu hiện như khóc, không muốn đi học. Ở lớp 1, trẻ sẽ bắt đầu xây dựng mối quan hệ bạn bè mới, học cách hợp tác, chia sẻ và làm việc nhóm trong các hoạt động học tập và ngoại khóa.
Vì vậy, cha mẹ cần tăng cường gắn kết và chia sẻ bằng cách trò chuyện với con về những thay đổi ở trường học và tạo cảm giác an toàn và hứng thú cho con về việc đi học. Cha mẹ cần tạo và thực hành thói quen, rèn tính tự lập cho con về thời gian biểu hàng ngày, bao gồm giờ ngủ, giờ dậy và các hoạt động học tập nhẹ nhàng để con quen với nền nếp sinh hoạt của học sinh lớp 1.
Cũng nằm trong chiến lược khuyến khích tính tự lập, cha mẹ hướng dẫn con những kĩ năng tự phục vụ như tự ăn, tự cất bát đũa ra khu rửa bát sau khi ăn, tự chuẩn bị đồ dùng học tập, tự chọn quần áo phù hợp cho ngày hôm sau… tạo cho con sự tự tin và độc lập.
Để đồng hành cùng trường mầm non để phát triển các kĩ năng học tập như chuẩn bị và bảo quản đồ dùng học tập, ngồi học và cầm bút đúng tư thế, rèn các kĩ năng phát triển ngôn ngữ, tư duy logic, … qua hệ thống trò chơi học tập, phiếu thực hành kĩ năng.
Chẳng hạn, trước đó, khi phụ huynh tham gia khoá Tiền tiểu học của Nhà trường, chúng tôi có tặng mỗi trẻ một cuốn sổ tay thực hành kĩ năng với các trò chơi học tập thú vị. Trong đó có các mảng nội dung về phát triển ngôn ngữ, tư duy logic, làm quen với tiếng Anh, vui học khám phá tự nhiên và xã hội. Cha mẹ hãy tận dụng nguồn tài nguyên như vậy để đồng hành cùng con trong giai đoạn mới mẻ này.
Nhà trường đã làm gì để đồng hành cùng phụ huynh và các con trong giai đoạn này? Và phụ huynh cần có những kết nối gì với giáo viên và Nhà trường để học sinh lớp 1 vượt qua giai đoạn đầu năm học mới một cách tích cực, thưa cô?
Vận hành một trường Tiểu học, chúng tôi theo dõi từng bước phát triển của các con để đón các con vào lớp 1 với tâm thế tự tin, vững vàng hơn. Bên cạnh những chương trình Tiền tiểu học, các buổi hội thảo chuyên đề dành riêng cho phụ huynh có con vào lớp 1, tài liệu hướng dẫn nhập học thì trước ngày đầu tiên đến trường, Nhà trường tổ chức 1 buổi để cung cấp những thông tin, quy định mà bố mẹ cần lưu ý. Lúc này, gia đình gặp mặt giáo viên dạy lớp 1 của con. Trong buổi đó, gia đình tham quan không gian học tập truyền cảm hứng như góc đọc sách, góc sáng tạo, góc dành riêng cho các môn học và khu vực dành riêng cho con để đựng túi ngủ, cặp sách, sách vở, giầy dép… nhằm giúp học sinh cảm thấy thoải mái và háo hức mỗi khi đến trường.
Trong các hoạt động tại trường, chúng tôi luôn chú trọng việc khen ngợi và động viên để khích lệ học sinh, giúp các em tự tin và phát triển. Việc tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của học sinh ở góc vinh danh trong lớp, trong trường, thưởng điểm sau mỗi hoạt động, lễ hội đổi quà hàng tháng theo quy mô lớp học cũng là một phần quan trọng trong việc đồng hành cùng các con trong giai đoạn đầu này.
Chúng tôi cũng xây dựng nền nếp và thói quen sinh hoạt tích cực cho học sinh qua các hoạt động trải nghiệm. Chúng tôi tư vấn phụ huynh 3 điều để đồng hành hiệu quả:
Phụ huynh cần tăng cường giao tiếp và thắt chặt sợi dây kết nối, tạo một mối quan hệ vững chắc giữa các con với gia đình và nhà trường: Lắng nghe và thấu hiểu con cái bằng cách mỗi ngày dành 10 phút cho con. Chẳng hạn, cha mẹ khuyến khích con kể về 3 điều con vui và 1 điều con muốn thay đổi nhất khi trên lớp. Đồng thời, hướng dẫn kỹ năng sống trong việc giải quyết vấn đề tại trường như kết bạn, giải quyết nhu cầu cá nhân, nói ra mong muốn của bản thân. Từ đó, cha mẹ giúp con phát triển ngôn ngữ và học cách sống chung trong một xã hội thu nhỏ là ngôi trường con đang học.
Phụ huynh tham gia các hoạt động như các buổi hội thảo chuyên đề, sự kiện, các ngày hội sức khoẻ, công nghệ, thể thao, nghệ thuật của nhà trường để hiểu rõ hơn về môi trường học tập của con. Phụ huynh giữ liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để cập nhật tình hình học tập và sinh hoạt của con tại trường, chia sẻ lại cho cô biết 1 số điều con mong muốn cải thiện… Từ đó, phụ huynh có những điều chỉnh để hỗ trợ con tại nhà.
Đồng thời, phụ huynh tạo môi trường và rèn kĩ năng tự học cho con ở nhà như: Góc học tập riêng tư, khung giờ học cố định, có người đồng hành cho các con.
Cuối cùng, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập nên ngoài việc kết hợp trên, phụ huynh cũng nên thường xuyên tìm đọc về tâm lí, đặc điểm của lứa tuổi và kết hợp với quan sát tại nhà. Những thay đổi khi đến trường để hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong cảm xúc và hành vi của con. Từ đó, tìm cách hỗ trợ con vượt qua những lo lắng khi bắt đầu học lớp 1.
Tuy nhiên, nói đến đây, tôi cũng xin được lưu ý nhỏ rằng: Tâm lí lo lắng và bất an của phụ huynh khi con vào lớp 1 cũng là một yếu tố cần để ý. Cha mẹ sẽ làm gương về sự kiên trì, nhẫn nại, kiểm soát cảm xúc và hành vi để các con cảm thấy yên tâm, mạnh mẽ và tự tin hơn khi đi học.
Vậy muốn hiểu tình hình của con ở trên lớp, cha mẹ cần có cách trò chuyện như thế nào thưa cô?
Việc giao tiếp cùng con để có mối quan hệ khăng khít là điều quan trọng. Đôi khi, câu hỏi của cha mẹ đầy tính lo lắng như: “Hôm nay ở trường con có vui không?”, “Con có bị mất đồ không?”, “Con có bị bắt nạt không?”… câu trả lời của các con sẽ rất đơn giản bởi vốn từ các con còn ít.
Tôi cho rằng có cách hỏi tốt hơn cách hỏi trên chỉ với công thức 5W-1H (là viết tắt các từ tiếng Anh: What, Where, When, Why, Who, How). Hoặc như đã trao đổi ở trên, cha mẹ có thể đề nghị con kể về: “3 điều con vui nhất ngày hôm nay”, “1 điều con muốn cải thiện nhất”, “1 điều con vui nhất ngày hôm nay”… Từ đó khơi gợi con cách chủ động giải quyết vấn đề khi ở trên lớp.
Sợi dây gắn kết này còn ở phía thầy cô, phụ huynh nên tranh thủ chia sẻ những khó khăn, niềm vui của các con để các thầy cô hiểu về con hơn. Và như đã trao đổi ở trên là sự kết nối chặt chẽ của phụ huynh thông qua các hoạt động ở Nhà trường. Sự hiểu biết, gắn kết của phụ huynh với các hoạt động của nhà trường cũng giúp các con cảm thấy tin tưởng, hào hứng hơn khi đến trường.
Theo Doanhnghiepthuonghieu.vn