Người sở hữu bộ sưu tập hơn 1.000 tờ báo "cổ"

01/07/2025 06:00
Ông Huỳnh Minh Hiệp, một kỷ lục gia và nhà sưu tầm nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh, đang sở hữu kho tàng vô giá: Bộ sưu tập hơn 1.000 tờ báo. Trong đó có nhật báo từng lưu hành tại Sài Gòn trước năm 1975 và nhiều tờ có tuổi đời trên một thế kỷ.

“Kho báu” từ cả thế kỷ

Chia sẻ về bộ sưu tập mà mình đã dày công gìn giữ suốt 30 năm qua, ông Huỳnh Minh Hiệp cho biết: “Mỗi tờ báo là một lát cắt của thời gian, lưu giữ tiếng nói, hơi thở của một giai đoạn lịch sử không thể lặp lại”. Chính vì vậy, bộ sưu tập ông Hiệp sở hữu gần như đầy đủ những tờ báo đầu tiên ở vùng đất phương Nam. Mỗi tờ báo được ông nâng niu, bọc cẩn thận và phân loại rõ ràng theo từng hạng mục. Nhiều tờ đã có tuổi đời hơn trăm năm, với chất liệu giấy rất dễ rách.

Chú thích ảnh
Từng tờ báo được ông nâng niu, tỉ mỉ cho vào từng túi ni lông riêng, thể hiện sự trân trọng đối với từng món "cổ" vật.

Ông Hiệp không chỉ lưu giữ mà còn thuộc làu từng câu chuyện lịch sử gắn với mỗi tờ báo. Với ông, mỗi tờ báo là một nhân chứng sống động, ghi lại hơi thở thời cuộc, phản ánh những sự kiện từng làm thay đổi trật tự xã hội và lịch sử.

Chẳng hạn, tờ Việt Thanh xuất bản ngày 23/7/1954, tường thuật lễ ký kết Hiệp định Giơnevơ, sự kiện vừa diễn ra hai ngày trước đó. Hay tờ Phụ Nữ Tân Văn, một trong những tờ báo dành cho nữ giới có ảnh hưởng lớn và tồn tại lâu tại Sài Gòn, ra đời chỉ sau Nữ Giới Chung - tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam.

“Bộ sưu tập này là cả một đời người. Tôi chưa bao giờ bán đi tờ nào vì mỗi tờ báo đều có linh hồn. Nó kể lại cách người Sài Gòn từng sống, từng nghĩ, từng lên tiếng…”, ông Hiệp xúc động chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tờ Việt Thanh xuất bản ngày 23/7/1954.

Từ nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san cho đến các ấn phẩm báo Xuân, chuyên đề về pháp luật, chính trị, văn hóa… tất cả đều có trong bộ sưu tập phong phú của ông. Trong số đó, tờ Gia Định Báo được ông Hiệp xem là quý giá nhất. Đây là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu xuất bản từ năm 1865. Ông hiện đang sở hữu số báo phát hành vào năm 1890, một hiện vật hiếm có và mang giá trị đặc biệt.

“Phải mất hơn 10 năm tôi mới tìm được tờ báo cổ xưa này. Tờ báo do ông Trương Vĩnh Ký sáng lập, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút, không chỉ phản ánh đời sống đương thời mà còn đặt nền móng cho báo chí hiện đại Việt Nam”, ông Hiệp chia sẻ.

Chú thích ảnh
Gia Định Báo là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Một ấn phẩm đáng chú ý khác trong bộ sưu tập của ông là Lục Tỉnh Tân Văn, tờ nhật báo đầu tiên của làng báo Sài Gòn, phát hành số đầu vào năm 1907. Ông Hiệp hiện sở hữu bản in năm 1938. Đây là một trong những tờ báo tiếng Việt tồn tại lâu nhất ở Nam Kỳ trước năm 1945, đóng góp lớn cho sự phát triển của báo chí Quốc ngữ.

Cùng với Gia Định Báo và Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn đã phản ánh sâu sắc đời sống xã hội, khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân và đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của báo chí Sài Gòn.

Chú thích ảnh
Lục Tỉnh Tân Văn được biết đến là tờ nhật báo đầu tiên của làng báo Sài Gòn.

Ông Hiệp đặc biệt nhắc đến hai tờ báo Văn Minh và Trung Lập, đều được xuất bản từ năm 1927 và đến nay đã 98 tuổi. Đây là những ấn phẩm hiếm hoi mà ông phải kỳ công tìm về từ Trà Vinh. Tờ Văn Minh, dưới sự dẫn dắt của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, mang sứ mệnh truyền bá tư tưởng tiến bộ, giới thiệu tinh hoa văn minh phương Tây và phổ biến chữ Quốc ngữ.

Trong khi đó, Trung Lập tạo dấu ấn với lập trường trung lập, cung cấp thông tin đa chiều về thời sự, văn hóa và kinh tế. Cả hai tờ đều là những ấn phẩm tiêu biểu trong dòng chảy báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, góp phần khai mở tri thức và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt.

Chú thích ảnh
Hai tờ báo Văn Minh và Trung Lập được ông Hiệp sưu tập đều có tuổi đời gần 100 năm.

Ông còn sở hữu tờ Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút, xuất bản tại Huế từ 1927 - 1946. Tờ Tiếng Dân in năm 1934 mà ông đang lưu giữ cũng đã hơn 90 năm tuổi, là một trong những tiếng nói phản biện mạnh mẽ thời bấy giờ. Đặc biệt, ông còn lưu giữ một tờ báo được xem là quý hiếm của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau giải phóng đã sáp nhập về Thông tấn xã Việt Nam).

Tờ báo từng phát hành nhiều bản tin, hình ảnh và tài liệu giá trị về cuộc đấu tranh chính nghĩa, góp phần cổ vũ tinh thần kháng chiến và lan tỏa thông điệp đến bạn bè quốc tế. Đó là tờ TTXGP - Chi nhánh miền Tây Nam Bộ, số 8 xuất bản năm 1964, với tiêu đề nổi bật: “TIN MIỀN TÂY NAM BỘ. CHIẾN THẮNG LỚN Ở Ô-MÔN LẦN THỨ HAI SAU NGÀY ĐẢO CHÁNH: DIỆT ĐỒN THỚI-LAI, ĐÁNH TAN MỘT CÁNH QUÂN TIẾP VIỆN, THU TRÊN 100 SÚNG”, như một chứng tích sống động cho khí thế hào hùng của phong trào cách mạng miền Nam.

Chú thích ảnh
Ông Hiệp còn lưu giữ tờ báo quý hiếm của Thông tấn xã Giải phóng.

Ký ức của người giữ ký ức

Cầm trên tay tờ Sài Gòn Giải Phóng số đặc biệt ra đúng ngày 30/4/1976, ông Hiệp không giấu được niềm tự hào. “Phải năn nỉ dữ lắm mới thuyết phục được một nhà sưu tập ở Tiền Giang nhượng lại, bởi việc tìm những tờ báo mang tính lịch sử là rất khó khăn, ai cũng muốn giữ lại”, ông Hiệp kể. Đây chỉ là một phần nhỏ trong “kho báu” mà ông đang sở hữu.

Chú thích ảnh
Tờ Sài Gòn Giải Phóng số đặc biệt ra đúng ngày 30/4/1976.

Những tờ báo xưa đều được ông Hiệp phân loại tỉ mỉ, bọc nilon riêng, cất trong hộp kín, hạn chế ánh sáng và tiếp xúc tay để tránh mục nát. Mỗi khi có dịp, ông lại mang một vài tờ ra trưng bày tại quán cà phê của mình để khách được tận mắt chiêm ngưỡng và hiểu thêm một giai đoạn lịch sử đất nước.

Ông Hiệp phấn khởi chia sẻ: “Trong năm nay, bộ sưu tập báo chí của tôi sẽ được Thông tấn xã Việt Nam số hóa và xuất bản thành sách nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Một món quà ý nghĩa dành cho những người làm nghề và những ai yêu Sài Gòn xưa”.

Chú thích ảnh
Những tờ báo xuân ông Hiệp lưu giữ được xuất bản vào năm 1975 và 1976.

Ông hiện là người sở hữu 7 kỷ lục Việt Nam, trong đó có kỷ lục về bộ sưu tập báo chí xưa nhiều nhất về Sài Gòn trước 1975. “Tôi muốn giữ lại để người dân TP Hồ Chí Minh và cả du khách có thêm không gian hoài niệm về Sài Gòn xưa. Đặc biệt là các bạn trẻ, sinh viên ngành báo chí hay lịch sử có thể chạm vào và cảm nhận thật sự những gì cha ông đã từng sống và viết lại”, ông Hiệp nói.

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Minh Hiệp luôn chia sẻ bộ sưu tập báo của mình với mọi người.

Bộ sưu tập hơn 1.000 tờ báo xưa của ông Huỳnh Minh Hiệp không chỉ là một kho lưu trữ những tờ báo mà là một kho tàng văn hóa, một “bảo tàng sống” kể lại lịch sử qua từng dòng chữ, từng trang in. Quan trọng hơn, đó là tâm huyết của một con người lặng lẽ gìn giữ ký ức đô thị, để quá khứ không rơi vào quên lãng và để tương lai có thể học từ những gì cha ông để lại. 

Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu


Tin xem thêm

Triển lãm kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh phải thiết thực, không phô trương, tránh lãng phí

Tin tức
22/07/2025 06:30

Ngày 15/7, Bộ VH,TT&DL tổ chức họp Tiểu ban Nội dung Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.

Bảo tàng Hà Nội tạm đóng cửa 20 ngày

Tin tức
22/07/2025 06:00

Bảo tàng Hà Nội thông báo tạm dừng đón khách tham quan từ ngày 15/7 và dự kiến mở cửa trở lại từ ngày 6/8.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân khi giữ ưu đãi thuế môi trường với xăng dầu đến năm 2026

Tin tức
21/07/2025 06:00

Bộ Tài chính vừa đề xuất kéo dài chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ ổn định giá nhiên liệu trong nước, giảm áp lực lên chỉ số...

Bắc Ninh: Đẩy mạnh khởi nghiệp - Tạo sinh kế ổn định gắn với chương trình giảm nghèo bền vững

Tin tức
21/07/2025 06:00

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó đặc biệt chú trọng ph...

Gạo ST25 – Từ đồng ruộng quê đến kệ siêu thị châu Âu

Tin tức
21/07/2025 06:00

Khởi nguồn từ một giống lúa địa phương hai lần giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”, ST25 đã trở thành biểu tượng cho hướng đi mới của gạo Việt – chinh phục thị trườn...

Rà soát, chuẩn hoá lại các thủ tục hành chính về đất đai

Tin tức
20/07/2025 08:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát, chuẩn hoá lại các thủ tục hành chính về đất đai đã công bố, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành ch...

Kinh tế tuần hoàn – xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp hiện đại

Tin tức
20/07/2025 07:00

Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, mang đến lợi ích kinh tế, góp phần bảo vệ hệ sin...

Nguồn cung và biến động giá đang tăng áp lực lên xuất khẩu gạo

Tin tức
20/07/2025 06:00

Giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Vì vậy, việc duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, tập trung vào phân ...

Doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh trở lại

Tin tức
19/07/2025 07:00

Trong năm 2024, gần 76.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đã dần thích nghi trong nền kinh tế và đã nhìn thấy cơ hội kinh ...