Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 56.000 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 149,66 triệu USD – tăng lần lượt 78% về lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá nhập khẩu trung bình đạt khoảng 2.661 USD/tấn, tăng 19,5% so với mức giá cùng kỳ năm 2024. Hiện Việt Nam nhập khẩu thịt heo từ 19 thị trường, trong đó Nga tiếp tục là nguồn cung lớn nhất, chiếm tới 50% tổng lượng thịt heo nhập khẩu.
Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, thịt heo đông lạnh nhập khẩu chủ yếu phục vụ nhu cầu chế biến công nghiệp như xúc xích, giò chả, dăm bông..., và thường tăng cao vào quý 2 (mùa cao điểm du lịch) và quý 4 (dịp Tết), trong khi các quý còn lại tiêu thụ thấp hơn.
Trái ngược với xu hướng nhập khẩu, xuất khẩu thịt heo trong 5 tháng đầu năm ghi nhận tín hiệu trái chiều: đạt 3.620 tấn, trị giá 27,75 triệu USD, giảm 10,4% về lượng nhưng tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông – đầu ra chủ lực – giảm 5,6% về lượng nhưng lại tăng 20,5% về giá trị. Ngược lại, xuất khẩu sang Malaysia và Singapore đều giảm cả về lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giai đoạn 2020 - 2024, chăn nuôi heo chiếm 60 - 64% cơ cấu đàn vật nuôi, cao hơn trung bình toàn cầu khoảng 20%. Năm 2024, sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng đạt 5,18 triệu tấn, tăng 6,6% so với năm trước.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2025 - 2026, ngành chăn nuôi heo được dự báo sẽ gặp nhiều áp lực hơn khi xu hướng tiêu dùng chuyển dần sang các loại thịt khác. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thịt gia cầm – vốn có giá thấp hơn – thay cho thịt heo, làm gia tăng cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu